Người dùng tranh thủ mua xe, doanh số ôtô tháng 5 tăng trưởng

Người dùng tranh thủ mua xe, doanh số ôtô tháng 5 tăng trưởng

Nhiều người dùng tranh thủ mua xe trước khi Nghị định 103 hết hiệu lực đã góp phần thúc đẩy doanh số ôtô trong tháng 5.

Ngày 31/5, Nghị định 103 về việc giảm lệ phí trước bạ 50% đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) chính thức hết hiệu lực sau 6 tháng được áp dụng. Người dùng có tâm lý tranh thủ mua xe trước khi hết ưu đãi lệ phí trước bạ, điều này góp phần thúc đẩy doanh số ôtô trong tháng 5.

Doanh số ôtô tháng 5 tăng trưởng nhờ tâm lý tranh thủ

Theo báo cáo của VAMA, doanh số ôtô toàn thị trường trong tháng 5 đạt 43.816 xe, tăng 3,4% so với tháng 4 và tăng 71% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh số ôtô lắp ráp trong nước đạt 25.580 xe, tăng 1% so với tháng trước và tăng đến 47% so với cùng kỳ năm 2021.

Người dùng tranh thủ mua xe trước khi Nghị định 103 hết hiệu lực đã góp phần giúp doanh số của nhiều mẫu xe tăng trưởng trong tháng 5.
Người dùng tranh thủ mua xe trước khi Nghị định 103 hết hiệu lực đã góp phần giúp doanh số của nhiều mẫu xe tăng trưởng trong tháng 5.

Doanh số ôtô du lịch cộng dồn của VAMA, VinFast và TC Group đạt 43.440 xe. Trung bình cứ 1 phút sẽ có một chiếc ôtô du lịch được bán ra trong tháng 5. Điều này đến từ các chính sách ưu đãi của mỗi hãng, cộng với tâm lý tranh thủ mua xe của người tiêu dùng trước khi Nghị định 103 hết hiệu lực.

Mức tăng trưởng doanh số ôtô trong tháng 5 có thể sẽ lớn hơn nữa nếu các nhà sản xuất không gặp vấn đề trong chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu hụt linh kiện cũng gây ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của nhiều hãng xe.

Thậm chí, một số mẫu xe ăn khách phải tạm ngừng nhận cọc từ các tháng trước đó do đại lý lo ngại không thể đáp ứng được nhu cầu nhận xe trước tháng 5.

Việc cầu vượt quá cung cũng khiến người dùng gặp trở ngại, nhiều hãng buộc phải thay đổi giá bán sản phẩm để cân bằng thị trường, tiêu biểu như Toyota thay đổi giá nhiều dòng xe với mức tăng 5-40 triệu đồng trong tháng 5. Hay như một số dòng xe ăn khách có giá bán thực tế tăng cao tại đại lý, tình trạng bia kèm lạc cũng trở nên phổ biến.

Ngoài những khó khăn đó, có thể thấy thị trường ôtô Việt Nam đã có sự hồi phục mạnh mẽ so với năm trước. Và tháng 5/2022 cũng chính là dấu ấn cuối của chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với xe CKD. Sau 6 tháng kể từ khi Nghị định 103 được áp dụng, đã có khoảng 223.000 ôtô được bán ra. Con số thực tế lớn hơn nhiều nếu cộng thêm doanh số của VinFast và TC Group.

Nhiều màn “đổi ngôi” diễn ra trong tháng 5

Cuộc cạnh tranh doanh số ở từng phân khúc cũng diễn ra quyết liệt trong tháng 5. Đáng chú ý như Toyota Vios có lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu toàn thị trường trong năm 2022, đồng thời lấy lại “ngôi vua” trong phân khúc sedan hạng B từ tay Honda City.

Với doanh số tháng 5 đạt 3.387 xe, Toyota Vios cũng phá vỡ thành tích mức doanh số cao nhất một mẫu xe đạt được tính từ đầu năm 2022 của Honda City trong tháng trước (3.013 xe), gần gấp đôi doanh số của 2 đối thủ Hyundai Accent (1.824 xe) và Honda City (1.664 xe).

Thành tích này cũng giúp Toyota Vios tạm giành lợi thế trong cuộc đua đến danh hiệu chiếc sedan hạng B ăn khách nhất năm 2022, khi tổng doanh số hiện tại của mẫu xe này đạt 11.264 xe, tạm vượt qua Hyundai Accent (9.154 xe) và Honda City (8.937 xe).

Ở nhóm SUV hạng B, Kia Seltos cũng gây bất ngờ khi vượt mặt Toyota Corolla Cross để dẫn đầu phân khúc trong tháng 5. Đây cũng là lần đầu tiên trong năm 2022 Kia Seltos trở thành “ông vua” trong phân khúc.

Dù rơi vào tình trạng khan hàng và có giai đoạn ngừng nhận cọc, doanh số Kia Seltos vẫn đạt 1.737 xe trong tháng 5, tăng 265 xe so với tháng trước đó. Nguyên nhân của sự tăng trưởng này có thể do việc bàn giao xe từ đơn đặt hàng trong các tháng trước, theo nhu cầu nhận xe trước khi Nghị định 103 hết hiệu lực của người dùng.

Ở nhóm MPV phổ thông, Mitsubishi Xpander tiếp tục là mẫu xe bán chạy nhất với doanh số tháng 5 đạt 1.979 xe, đồng thời xếp thứ 2 toàn thị trường. Dù phiên bản nâng cấp 2022 của mẫu xe này được ra mắt trong tháng 6, phiên bản tiền nâng cấp của Xpander vẫn rất hút khách.

Tổng quan thị trường ôtô trong tháng 5 cho thấy những mẫu xe lắp ráp trong nước chiếm đa số trong top 10 ôtô bán chạy nhất, đồng thời phần lớn đều có sự tăng trưởng doanh số, tiêu biểu như VinFast Fadil, Toyota Vios, Kia Selos, Ford Ranger, Kia K3…

Thị trường ôtô giai đoạn nửa sau 2022 liệu có hạ nhiệt?

Mức giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô CKD không còn hiệu lực nhiều khả năng sẽ khiến thị trường ôtô Việt Nam “hạ nhiệt” trong giai đoạn còn lại của năm 2022.

Chênh lệch cung - cầu được dự đoán cân bằng hơn hậu Nghị định 103.
Chênh lệch cung – cầu được dự đoán cân bằng hơn hậu Nghị định 103.

Tình trạng thiếu hụt linh kiện mà các nhà sản xuất đang đối mặt khó lòng được giải quyết trong một sớm một chiều. Nghị định 103 hết hiệu lực cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng. Nhờ đó, bài toán cung – cầu sẽ cân bằng hơn.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa thị trường ôtô trong nước sẽ thiếu sự tăng trưởng ở phần còn lại của năm 2022. Trong tháng 6, nhiều mẫu xe mới đáng chú ý đã được ra mắt như Mitsubishi Xpander 2022 hay Honda HR-V. Không chỉ giúp làm mới đội hình và tăng tính cạnh tranh ở từng phân khúc, người dùng cũng có thêm đa dạng sự lựa chọn.

Bên cạnh đó, các hãng xe cũng sẽ có những chính sách riêng để kích cầu khi không còn mức ưu đãi lệ phí trước bạ 50%, sự cạnh tranh giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu cũng trở nên sòng phẳng hơn.

Giai đoạn nửa cuối năm 2022 sẽ có thêm nhiều mẫu xe mới nữa được dự kiến trình làng. Ngoài ra, Triển lãm Ôtô Việt Nam 2022 cũng sẽ trở lại vào tháng 10 sau 2 năm vắng bóng, hứa hẹn tạo ra những cú hích về mặt doanh số cho nhiều hãng xe.

Theo: Zingnews

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *